Nhà máy Tecomen Tháng 9 - Khúc giao mùa khó quên

- Tin tức nội bộ

Warning: count(): Parameter must be an array or an object that implements Countable in /var/customers/tecomen.com/modules/news/views/news_amp/default.php on line 33

Huyền Nguyễn – HCNS Nhà máy Tecomen

Khi những cơn mưa mùa hạ đi về ngang lối, nó có thể làm ta bị ướt, làm cản bước ta đi. Nhưng hơn bao giờ hết, nó làm ta sống chậm lại, chậm để ngắm lại những gì đã qua, ước vọng vào những gì đang đến. Và hơn cả, nó thổi một luồng gió mới vào cái tâm hồn vốn tưởng khô khan lâu nay chỉ quen đi về với guồng quay công việc. Ngẫm lại thì mùa hạ cũng giống như một cô gái mới lớn: rực rỡ, yêu kiều, hồn nhiên nhưng cũng đầy mộng ước. Dữ dội đấy nhưng cũng mong manh nhiều lắm.

Mùa hạ cũng khiến tôi yêu hơn nơi tôi và các đồng nghiệp của tôi đang làm việc. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi đến nhận việc ở nơi này, trong tôi tràn ngập sự buồn chán: văn phòng chẳng có tý nghệ thuật nào, nhà xưởng thì giống như một lô cốt, bên trong là những “chuồng nho nhỏ nhưng có những bác to to”. Khuôn viên thì nhếch nhác không hoa cũng chẳng đèn. Nó thực sự không giống như những gì tôi mường tượng. Tôi vẫn còn nhớ lời anh Tuấn – bộ phận nhân sự khi đó có động viên tôi rằng “Sắp tới nhưng không biết khi nào chúng ta chắc chắn sẽ có một Nhà máy mới to và hoành tráng, đây là Nhà máy mình thuê thôi em ạ.” Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu “động cơ” nào giúp tôi đã sống và chiến đấu ở trận địa này cũng ngót 2 năm để đợi chờ cái ngày “chưa biết bao giờ” ấy biến thành sự thật. Và rồi cái ngày gọi là “chưa biết bao giờ” ấy đã tới - chỉ một thời gian rất ngắn nữa thôi, gia đình Tecomen sẽ được trở về ngôi nhà mới khang trang, hoành tráng. Vậy nhưng tôi biết rằng không chỉ tôi mà còn rất nhiều người nữa nếu như đã từng gắn bó với nhà máy này sẽ không bao giờ quên “mảnh đất cằn nhưng chất chứa yêu thương” này, nơi lưu giữ những tháng năm nỗ lực, vất vả đổ mồ hôi nhưng luôn có những nụ cười thường trực ở trên môi của anh em nhà máy Tecomen chúng tôi.

Ở ngôi nhà này, thì dù trời nắng hay trời mưa đều khiến các đồng nghiệp tôi lo lắng. Trời nắng khiến cho nhiệt độ nhà xưởng có nơi lên tới 39 đến 40 độ những tưởng chỉ thở thôi cũng mệt, ấy thế mà những bàn tay kia vẫn thoăn thoắt truyền nhau, những đôi chân vẫn băng băng về phía trước, quyệt vội mồ hôi rồi lao ngay vào việc. Những bình nước lạnh vẫn được các cô nhà bếp kẽo kẹt đưa lên các xưởng để phần nào xua đi cái nóng như một sự động viên khích lệ cùng nhau vượt qua những mùa hè. Có lần tôi hỏi một bạn công nhân đang ngồi thở hổn hển sau khi vừa kéo một xe hàng to vật vã vào xưởng: “Mệt lắm phải không em? Cố gắng lên, sắp về Nhà máy mới rồi”, cô bé đồng nghiệp của tôi trả lời rất yêu thương rằng: “Bọn em khổ quen rồi, mỗi tội nóng thế này thì bọn em test cây nóng lạnh không chính xác chị ạ, trong xưởng đến mồ hôi còn bốc khói thì máy làm lạnh sao được!!!”. Đấy là trong xưởng còn như thế nói gì đến các bạn bốc công dưới ánh nắng mặt trời thuộc kho anh Hiệp. Ấy vậy mà tôi vẫn thấy, sáng sáng thấy các bạn ý cười tươi roi rói với xôi xéo, bánh mỳ đầy năng lượng, giữa trưa nắng các bạn ấy vẫn tươi cười chuyển hàng từ các công cao ngất. Nắng vàng chỉ làm lấp lánh hơn những giọt mồ hôi, làm rạng rỡ hơn những nụ cười lao động.

Nắng vất vả thế nhưng hình như các đồng đội của tôi vẫn yêu nắng hơn mưa. Cảnh nhà chật chội nên cứ sáng sáng các xưởng lại la liệt kéo hàng ra bên ngoài để lấy diện tích làm việc, những chiếc bạt khổng lồ vẫn luôn thường trực phía ngoài các xưởng phòng khi mưa bất chợt. Mà những cơn mưa mùa hè thì đỏng đánh khó chiều lắm. Có những buổi sáng nắng vỡ đầu, buổi trưa mọi người đang trong giờ nghỉ thì mưa từ đâu đến, Nhà máy hò nhau chạy mưa, kéo hàng, kéo xong, vẫn còn thở dốc thì trời lại nhoe nắng. Và ai cũng biết, chẳng làm gì được ông trời đâu, chỉ biết nhìn nhau an ủi vậy thôi.

Mùa hè cũng là mùa ban căng tại văn phòng Nhà máy: mỗi buổi sáng còn tấp nập ồn ào hơn chợ phiên, tiếng máy in tem rất ức chế từ chỗ chị Hằng béo, tiếng máy đếm tiền rè rè cộng cái giọng choe chóe của em Lan, giọng anh Sâm thều thào hô kế hoạch, tiếng anh Hiếu giục chị Thương, tiếng chị Thương bật anh Hiếu… tiếng anh Hiệp lẩm bẩm: “Chỉ khổ bộ phận kho – Suốt ngày lo chuyển kho – Tối về ngủ vẫn lo – Sáng mai lại chuyển kho – Mong lắm!  nhà máy to”

Tôi còn nhớ có một khách hàng vào làm việc tại văn phòng phải thốt lên rằng: Sao ở đây bố trí giỏi thế? Bên nhà anh diện tích văn phòng nó cũng thế này mà chỉ bố trí chưa được chục người. Cho phép anh chụp lại cái ảnh để về học cách bố trí. Kể ra mà nói, tôi cũng phục sát đất nữa mà. Văn phòng bé tẹo teo nhưng chứa được hơn ba chục người mà vẫn đủ cả bàn làm việc, máy phô tô, máy in, tủ tài liệu hoa lá cây kiểng, tranh vẽ trừu tượng. Bởi vậy nên chỉ cần đi ra ngoài vị trí một chút là ngay lập tức khi trở lại đã thấy ghế của mình bị ai đó sở hữu, không mặt dày đòi lại thì còn lâu mới có ghế mà làm việc nhé. Ban đầu văn phòng còn có phòng họp, phòng y tế. Dần dà phòng họp biến mất, thay vào là các “biệt thự phân lô”. Phòng y tế mấy tháng sau cũng bị san phẳng vì đất chật người đông, nhìn đi nhìn lại chỉ còn lại phòng Mr Hùng Giám đốc là trụ vững. Mỗi khi nhận được cái mail “tiếp nhận nhân sự mới” của em Tùng -  Ban tuyển dụng Tập đoàn là bộ phận nhân sự Nhà máy lại mặt mày méo mó, anh Tuấn ngắm đi ngắm lại toàn cảnh văn phòng rồi chốt lại với anh Hùng Giám Đốc Nhà máy: “Còn mỗi phòng anh thôi, hay là anh ra ngồi với bọn em để phòng đó em đặt một lô 4 căn nữa là đẹp!!!” Anh Hùng cũng chỉ biết cười hiền hiền như lâu nay anh vẫn thế. Phòng anh tuy không bị san bằng nhưng nhiều khi cũng bị cướp trên giàn mướp bởi các bạn tuyển dụng. Chỉ cần thấy phòng anh trống là các bạn mở cờ trong bụng vì có được một nơi phỏng vấn lý tưởng. Thế nên có những khi anh từ trển (Văn phòng Tập đoàn) về Nhà máy, mở cửa phòng mình rồi lại giật mình bước ra. Các em dù biết thế nhưng phải tảng lờ như không thấy bởi nhường ghế cho anh thì bọn em biết ngồi đâu nên đành để anh thong dong vi hành qua các xưởng.

Quang cảnh nhà ăn mỗi buổi trưa hè mới thực sự là một ám ảnh, người chật như nêm cối, mùi thức ăn, mùi mồ hôi, tiếng quạt công nghiệp, tiếng ti vi, tiếng người chuyện trò chuyện, tiếng khay, thìa inox leng keng. Tất cả tạo nên một không gian sôi động đến nghẹt thở. Mỗi lần có tổ chức sự kiện hay hoạt náo gì dưới bếp ăn Nhà máy là chị Giang Trâu – Ban truyền thông Tập đoàn kiêm MC lại hỏi tôi: “Có chỗ nào để chị đứng không em, vì chật quá nên chị không biết chị có thể đứng ở chỗ nào cơ…”

Tất cả những khó khăn do chật chội, do nắng nóng, do mưa dầm, do thiếu thốn đủ thứ cũng chẳng làm cản bước những chuyến hàng xuất bến đúng hẹn, không làm mờ đi những nụ cười lao động hay làm quên đi những giọt mồ hôi bao người đổ xuống. Vẫn có những MV đậm tình xa xứ, những bài thơ chứa chất nỗi nhớ nhà được tạo ra từ những khó khăn ấy. Hơn cả, văn hóa Tecomen vẫn thấm đẫm trong mỗi người, vẫn ánh lên hy vọng ở biết bao đôi mắt. Nhà máy mới là một “tin vui” mà tất cả chúng ta đều mong chờ bởi đó là chiến công của cả gia đình Tecomen sau bao nhiêu nỗ lực. Đó là niềm hạnh phúc chúng ta xứng đáng được hưởng. Tuy vậy chúng ta cũng không thể nào quên, thậm chí có đồng nghiệp tôi còn chẳng muốn xa nơi này dù nó cũ đấy, nó khổ đấy, nó chỉ là nhà tạm thôi đấy nhưng biết sao được vì “tình yêu đã làm đất lạ hóa quê hương” mất rồi. Nhưng tôi biết, những tháng ngày làm việc tại Nhà máy Tecomen với những người đồng nghiệp thân thương là một quãng thời gian khó quên trong mỗi người cho dù chúng ta ở đâu chúng ta làm gì phải không các bạn. Bởi vì, ở đâu, làm gì – không quan trọng bằng “với ai”. Tất cả chúng ta – những thành viên Tecomen vẫn đang kiên định đứng cùng bạn và tôi trên con thuyền lớn hướng về phía trước – đó mới là điều đáng trân trọng.


X
X
0.06457 sec| 1720.32 kb